Nếu như trong năm 2014, Novaland chỉ bán và bàn giao các căn hộ thuộc 2 dự án Sunrise City – khu Central (quận 7) và Tropic Garden – giai đoạn 1 (quận 2), thì trong năm 2015 và 9 tháng năm 2016, số lượng dự án đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng tăng lên nhanh chóng với 7 dự án được bàn giao và 21 dự án mới đã và đang được tiếp tục phát triển.
Novaland hiện có vốn điều lệ (VĐL) xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, những ngày trước khi niêm yết, CP của công ty được giao dịch trên thị trường OTC quanh ngưỡng 60.000 đồng/CP, nghĩa là tại mức giá này, vốn hóa của Novaland sẽ đạt gần 36.000 tỷ đồng. Hiện nay, để gia nhập top 10 CP có vốn hóa lớn nhất thị trường cần mức vốn hóa tối thiểu 35.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu Novaland lên sàn và giao dịch ở mức giá 6.0, nghiễm nhiên sẽ lọt vào nhóm vốn hóa hàng đầu. Tất nhiên, những ai mua Novaland dưới sàn với giá 6.0 sẽ kỳ vọng CP này sẽ có giá cao hơn nữa, và nếu điều này xảy ra vốn hóa của Novaland sẽ còn gia tăng. Nên nhớ rằng, không chỉ có quỹ chỉ số mới chú trọng đến VĐL, vốn hóa, mà các quỹ khác cũng cần một doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để xem xét giải ngân. Trong top 10, top 20 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, số lượng CP ngành bất động sản (BĐS) không nhiều, nếu không muốn nói là ít so với các ngành tài chính, ngân hàng, dầu khí.
Do vậy, sự hiện diện của Novaland trong nhóm vốn hóa có thể giúp số lượng CP BĐS nhiều hơn và đương nhiên sẽ củng cố vị thế của CP BĐS trên sàn. Điểm qua thị giá của một loạt CP BĐS trên sàn sẽ dễ dàng thấy được một lượng lớn có giá trong tầm 20.000 đồng/CP trở xuống, số lượng CP trên mức 20.000 đồng/CP tương đối ít ỏi. Nếu giá của Novaland trên sàn cũng tương tự giá ở OTC những ngày gần đây, CP này sẽ nằm trong nhóm CP BĐS có thị giá cao bậc nhất thị trường. Mặc dù chỉ có tính tương đối, nhưng không thể phủ nhận thị giá cũng có thể biểu hiện một phần vị thế của CP.
Cho đến nay, dù xét về số lượng CP BĐS thuộc vào hàng đông đảo nhất thị trường, nhưng số CP được xếp vào loại “hàng hiệu” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một nhóm CP càng có nhiều blue chip, đương nhiên sẽ thu hút được càng nhiều sự chú ý, nghĩa là người ta cũng có thể chờ đợi Novaland lên sàn không chỉ tạo hiệu quả tích cực cho công ty này, mà cho cả những CP BĐS khác đang niêm yết trên sàn.
Nền tảng cơ bản vững chắc
Nếu VĐL, vốn hóa, thị giá của Novaland được xem là điều kiện cần, thì nền tảng cơ bản chính là điều kiện đủ để tạo nên một vị thế vững chắc cho một CP hạng blue chip. Khi xét đến nền tảng cơ bản của một công ty BĐS, nhiều người sẽ nhìn ngay vào quỹ đất mà công ty đó đang sở hữu. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, các công ty đầu tư vào BĐS ngày một nhiều, chủ đầu tư nào nắm càng nhiều đất “sạch” trong tay sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh càng lớn. Với tiềm lực tài chính mạnh cùng với khả năng phát triển và bán căn hộ nhanh chóng, trong 3 năm gần đây Novaland liên tiếp thực hiện nhiều thương vụ mua lại dự án (M&A) hoặc dưới hình thức hợp tác phát triển. Trong giai đoạn 2015-2016, Novaland đã thực hiện M&A hàng loạt dự án mới tại khu vực trung tâm các quận như quận 2, 4, 7 và Phú Nhuận, nâng tổng quỹ đất của hơn 40 dự án đang nắm giữ lên 9,8 triệu m2 sàn xây dựng.
Sở hữu một quỹ đất lớn cần có chiến lược khai thác hợp lý nhằm nắm bắt cơ hội của thị trường. Novaland đã tiến hành mở bán 10 dự án mới trong năm 2015 và 5 dự án mới trong 9 tháng năm 2016. Hầu hết các dự án mở bán trong năm 2015 và 9 tháng năm 2016 đều được thị trường đón nhận một cách tích cực do tọa lạc ở các vị trí chiến lược của TPHCM, thanh khoản cao, phù hợp với nhu cầu sinh sống cũng như đầu tư của những phân khúc khách hàng khác nhau. Tất nhiên, để có thể tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm, doanh nghiệp không chỉ có quỹ đất đẹp, đắc địa mà còn phải đảm bảo thời gian bàn giao dự án đúng tiến độ.
Khách hàng tham quan phối cảnh hàng loạt dự án BĐS của Novaland.
Kỳ vọng dài hạn
TTCK vốn là thị trường của kỳ vọng. Khi lên sàn, cũng như nhiều blue chip khác, Novaland cũng sẽ phải chứng tỏ tiềm năng trong dài hạn của mình cho các NĐT. 9 tháng năm 2016, doanh thu thuần của Novaland đạt 7.176 tỷ đồng, vượt 6,55% so với kế hoạch đặt ra cho cả năm 2016 là 6.735 tỷ đồng. Chưa cần đến hết năm 2016, Novaland đã cán đích kế hoạch doanh thu. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2016 của công ty đạt 1.561 tỷ đồng, tương ứng 94,61% so với kế hoạch cả năm 2016 là 1.650 tỷ đồng. Dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh, năng lực của công ty và triển vọng kinh tế trong thời gian gần đây, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2016 là rất rõ ràng nếu không có những biến động lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh trong quý IV-2016.
Năm 2017, với đặc thù ghi nhận doanh thu của ngành BĐS, công ty sẽ ghi nhận doanh thu rất lớn đến từ 7 dự án đã được bán từ năm 2014-2016 và sẽ bàn giao trong năm 2017, đạt mục tiêu tăng trưởng 20% so với năm 2016.. Đây sẽ là một cơ sở vững chắc để Novaland có những bước phát triển vượt bậc từ năm 2017 với dự kiến lợi nhuận tăng khả quan. Bên cạnh đó, với hơn 21 dự án đang có kế hoạch triển khai trong năm 2016 sẽ là nền tảng giúp công ty có những bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, mang lại niềm tin cho khách hàng, giá trị cho cổ đông và NĐT.
Trong năm 2017, Novaland dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao các căn hộ thuộc các dự án The Tresor (quận 4), Lucky Palace (quận 6), GardenGate, Golden Masion, Kingston Residence, Orchard Garden (quận Phú Nhuận) và The Botanica (quận Tân Bình). Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện hàng loạt dự án trong năm 2016-2017, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các đợt huy động vốn dưới các hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc/và chào bán riêng lẻ cho các NĐT tổ chức trong và ngoài nước.
Nguồn: Sài gòn đầu tư tài chính